Quá trình xây nhà sau khi hoàn thiện phần móng được chia thành hai giai đoạn là thi công phần thô và thi công phần hoàn thiện. Vậy thi công thô và thi công hoàn thiện khác nhau như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết các hạng mục công việc trong từng giai đoạn để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho công trình của mình quý vị nhé!
Sự khác biệt giữa thi công phần thô và thi công phần hoàn thiện nằm ở hạng mục công việc cũng như nguyên vật liệu. Cụ thể như thế nào, quý vị có thể theo dõi phân tích dưới đây của kỹ sư Việt Quang Group.
1. Thi công phần thô
Thi công phần thô hay còn gọi là xây nhà phần thô là giai đoạn hình thành bộ khung cho ngôi nhà theo bản vẽ thiết kế. Khung nhà bao gồm 5 bộ phận chính là cột nhà, dầm nhà, bản sàn, tường nhà và cầu thang sẽ dần dần thành hình thông qua các hạng mục công việc sau:
Đan thép
Đây là công việc đầu tiên trong giai đoạn thi công phần thô. Yêu cầu của công đoạn đan thép là phải tuân thủ đúng bản vẽ, đúng kích thước và chủng loại thép để ngăn chặn tình trạng xô lệch, từ đó tối ưu khả năng chịu lực của kết cấu thép đan.
Thi công phần thô giúp hình thành khung xương cho ngôi nhà
Ghép cốp pha
Dưới sự giám sát và chỉ đạo sát sao của kỹ sư, công nhân thực hiện ghép cốp pha đúng kỹ thuật, đảm bảo kín khít, chắc chắn và gọn gàng. Nếu công đoạn này không được tiến hành cẩn thận có thể dẫn đến nguy cơ bục hoặc vỡ khi đổ bê tông.
Đổ bê tông
Sau khi hỗn hợp bê tông được trộn đúng tiêu chuẩn sẽ được công nhân dùng máy trộn hoặc xe trộn đổ trực tiếp vào khối cốp pha đã ghép trước đó. Đổ bê tông xong, công nhân phải đầm thật kỹ để khối bê tông kết dính với nhau, không bị rỗng và nổi bọt khí.
Tháo cốp pha
Thời gian tháo dỡ cốp pha phụ thuộc vào mức độ kết dính và đóng rắn của khối bê tông. Vậy nên, giám sát công trình sẽ phải kiểm tra và đánh giá chính xác kết cấu bê tông rồi mới chỉ đạo công nhân tháo dỡ cốp pha nhằm đảm bảo an toàn cũng như chất lượng công trình.
Xây tường nhà
Dựa vào bản vẽ thi công phần thô, công nhân tiến hành xây tường nhà. Để đạt được các tiêu chí như hàng gạch thẳng, mạch vữa đầy, đều và không trùng nhau, góc tường vuông vức và kết cấu tường chắc chắn, công nhân phải trộn vữa đúng tỷ lệ và liên tục kiểm tra bằng quả dọi khi xây tường.
Hoàn thành giai đoạn thi công phần thô đồng nghĩa với việc chúng ta đã đạt được 70% quá trình xây dựng một ngôi nhà. Giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện công trình chính là thi công phần hoàn thiện.
2. Thi công phần hoàn thiện
Xây nhà phần hoàn thiện là giai đoạn cuối cùng của quá trình làm nhà. Mặc dù các hạng mục công việc thuộc thi công phần hoàn thiện nhẹ nhàng hơn thi công phần thô, nhưng lại yêu cầu rất cao về kỹ thuật và tính thẩm mỹ. Dưới đây là những hạng mục cần triển khai trong giai đoạn thi công hoàn thiện.
Trát tường, láng sàn
Công đoạn này giúp bề mặt tường và sàn ở trạng thái láng mịn để khi ốp gạch được dễ dàng cũng như đều đẹp hơn. Trước khi trát tường và láng sàn cần vệ sinh bề mặt tường và sàn sạch sẽ. Ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm hoặc nước cần trộn thêm hỗn hợp chống thấm vào vữa để bảo vệ kết cấu tường và sàn nhà về sau.
Ốp gạch
Lớp gạch ốp quyết định rất lớn đến thẩm mỹ của ngôi nhà. Chính vì thế, công nhân phải ốp gạch một cách cẩn thận và tỉ mỉ để các viên gạch thẳng hàng, mạch gạch đều nhau và không bị xô lệch hoặc chỗ thấp chỗ cao. Đó là lý do kỹ sư phải giám sát chặt chẽ để kịp thời nhắc nhở công nhân điều chỉnh khi xảy ra sai sót.
Thi công phần hoàn thiện tạo nên thẩm mỹ hoàn hảo cho ngôi nhà
Sơn bả tường
Lớp sơn tường vừa là yếu tố giúp nâng cao tính thẩm mỹ, vừa góp phần kéo dài tuổi thọ cho công trình. Do đó, hạng mục sơn tường phải đáp ứng hai yêu cầu: Một là chất lượng sơn tốt và hai là tay nghề của thợ sơn cao. Đây là hai điều kiện cần và đủ để có lớp sơn bền, đều màu và nhẵn mịn.
Lắp đặt điện nước
Lắp đặt điện nước cần được thực hiện theo đúng bản vẽ với những thiết bị tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như sự tiện lợi cho gia chủ. Để tránh trường hợp không hay có thể xảy ra, nên lựa chọn các vật tư chất lượng đến từ thương hiệu uy tín.
Ngoài sự khác nhau về các hạng mục công việc, thi công phần thô và thi công phần hoàn thiện còn khác biệt ở việc sử dụng vật tư:
- Vật tư thi công phần thô: Những nguyên vật liệu dùng trong giai đoạn thi công phần thô gồm: Sắt thép, xi măng, gạch, cát, bê tông, dây điện, dây cáp, ống nước nóng…
- Vật tư thi công phần hoàn thiện: Những nguyên vật liệu dùng trong giai đoạn thi công hoàn thiện gồm: Gạch, đá, gỗ ép, sơn, cửa gỗ, cửa nhôm, cổng sắt, mái tôn, mái ngói, kệ bếp, bồn tắm, đèn trang trí, công tắc…
Hy vọng rằng, sau khi hiểu được sự khác biệt giữa thi công phần thô và thi công phần hoàn thiện, quý vị sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình làm nhà. Nếu còn điều gì băn khoăn, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp nhé!